Nấm ăn là một trong những loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao nên những năm gần đây, loại nông sản này rất được thị trường ưa chuộng. Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ của người dân, nhiều địa phương trong tỉnh đã vận động nông dân phát triển nghề trồng nấm nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông hộ.
Từ nhiều năm nay, HTX Dịch vụ tổng hợp trồng nấm Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà đã sản xuất các loại nấm ăn để cung ứng thị trường. Vụ đông năm nay, HTX đã đưa vào trồng hơn 3,5 vạn bịch nấm các loại trên diện tích 1.000 m². Thời gian này, HTX đang thu hoạch nấm sò trắng với sản lượng khoảng 400 kg/lứa, mỗi vụ cung cấp ra thị trường hơn 10 tấn nấm, với giá bán 30.000-35.000 đồng/kg, doanh thu mỗi năm trên 300 triệu đồng.
Bà Trần Thị Minh - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp trồng nấm Tân Lâm Hương chia sẻ: Muốn có sản phẩm nấm chất lượng ngoài khâu chăm sóc và thu hoạch, cần phải thu hái đúng độ tuổi để đảm bảo độ thơm ngon của sản phẩm. Chỉ cần thu hoạch chậm sau vài giờ đồng hồ là nấm sẽ bị nở, già, giảm dinh dưỡng. Vì thế, ngoài việc chia từng khu vực trồng nấm để thu hoạch và tiêu thụ theo hình thức cuốn chiếu, việc điều tiết, chăm sóc để đảm bảo nấm cho thu hoạch đúng thời điểm là rất quan trọng.
Nghề trồng nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng phát triển kinh tế mới vùng nông thôn.
Từng có kinh nghiệm nhiều năm làm kỹ thuật viên tại Trung tâm Nghiên cứu, phát triển nấm và tài nguyên sinh vật, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh, năm 2014, anh Lê Đăng Cường đã quyết định xây dựng nhà xưởng rộng 3.000 m2 tại thôn Quyết Tiến, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà để lập nghiệp với nghề trồng nấm. Qua gần 8 năm hoạt động, anh đã thành lập Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Phú Cường Đạt, chuyên trồng và cung cấp bịch phôi nấm các loại nấm như: Mộc nhĩ, nấm sò, nấm linh chi.... đem lại doanh thu gần 3 tỷ đồng/năm, sau khi trừ mọi chi phí, lợi nhuận mỗi năm đạt gần 600 triệu đồng. Đặc biệt, từ khi 2 sản phẩm của công ty là nấm linh chi và nấm mộc nhĩ đạt chuẩn OCOP 3 sao, đã mở ra cơ hội quảng bá sâu rộng các sản phẩm, khẳng định thêm chất lượng và thương hiệu.
Anh Lê Đăng Cường - Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Phú Cường Đạt cho hay: Mỗi năm, ngoài cung cấp hàng chục tấn nấm thành phẩm và bán giống nấm các loại cho khách hàng trong và ngoài tỉnh, đơn vị còn hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân trồng nấm tại các địa phương. Không chỉ trồng đa dạng các loại nấm mà cơ sở còn đầu tư máy móc, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật chế biến sâu các sản phẩm từ nấm như: mộc nhỉ thái sợi, nấm sò muối chua cay, trà nấm linh chi,… Đây là những sản phẩm chất lượng, tiện dụng nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Nấm là loại cây trồng rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, sâu bệnh, vì vậy người sản xuất cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật để nấm có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Đối với mỗi loại nấm sẽ có kỹ thuật trồng và chăm sóc khác nhau, nhưng để có được sản lượng nấm đạt chất lượng cao phải chặt chẽ trong khâu chọn giống và nguyên liệu đảm bảo sạch thì chất lượng nấm mới đạt, năng suất sẽ cao. Tại huyện Thạch Hà, những năm gần đây, địa phương này được biết đến với nhiều mô hình áp dụng công nghệ vào sản xuất, phát triển kinh tế vườn hộ với các sản phẩm rau, củ chất lượng cao và trồng nấm ăn, nấm được liệu. Đây là những cây trồng phù hợp trong vụ đông, cho giá trị cao, thị trường ổn định. Riêng đối với nghề trồng nấm, hầu hết các chủ cơ sở đã dần làm chủ được quy trình sản xuất nên hiệu quả đem lại ngày càng cao, đã hình thành các vùng sản xuất tập trung tại các xã Tân Lâm Hương, Thạch Xuân, Lưu Vĩnh Sơn với sản phẩm chủ yếu là các loại nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ… đánh thức tiềm năng và cơ hội làm giàu, mở ra hướng làm ăn mới cho người dân địa phương.
Sản phẩm nấm ăn được thị trường ưa chuộng,tạo điều kiện thuận lợi cho nghề trồng nấm tại địa phương tiếp tục phát triển .
Hiện nay, ngoài huyện Thạch Hà, một số địa phương trong tỉnh cũng đang đẩy mạnh khuyến khích phát triển nghề trồng nấm. Đơn cử như tại huyện Kỳ Anh cũng là một trong những địa phương có tiềm năng lớn để phát triển nghề trồng nấm. Thời gian qua, UBND huyện Kỳ Anh đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật để nhân rộng phát triển mô hình, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và BVCTVN huyện Kỳ Anh cho biết: Đến nay, toàn huyện Kỳ Anh có 2 cơ sở sản xuất nấm theo chu trình khép kín với quy mô gần 2000m2 đó là cơ sở sản xuất nấm Nam Anh (xã Kỳ Bắc), cơ sở của gia đình ông Phan Huy Tuận (xã Kỳ Phong) và 8 cơ sở triển khai với quy mô nông hộ, tập trung ở các xã: Kỳ Giang, Kỳ Thư và Kỳ Lạc. Thời gian tới, huyện Kỳ Anh tiếp tục xây dựng thương hiệu, tăng cường quảng bá sản phẩm và hướng đến sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên; tiếp tục chuyển giao quy trình, nhân rộng mô hình nâng cao giá trị, chất lượng của sản phẩm, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích.
Cùng với việc đẩy mạnh đa dạng hóa cây trồng, rau màu thì nghề trồng nấm đang chứng minh là hướng đi đầy tiềm năng cho nông nghiệp Hà Tĩnh. Với nguồn nguyên liệu phụ phẩm nông nghiệp dồi dào như: Rơm rạ, mùn cưa và điều kiện khí hậu thuận lợi, nghề trồng nấm được đánh giá là phù hợp và mang lại lợi ích kinh tế cao. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường ngày càng tăng, đặc biệt là xu hướng sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, đang tạo điều kiện thuận lợi cho nghề trồng nấm tại địa phương tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên, để nghề trồng nấm phát triển bền vững, ngành chuyên môn cần tiếp tục tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn giúp người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao./.
Phan Thao |