“Gạo rươi Đức Thọ” là một sản phẩm đặc trưng được sản xuất theo quy trình hữu cơ tạo nên sản phẩm gạo sạch, giàu dinh dưỡng, được thị trường ưa chuộng. Sau nhiều nổ lực nhãn hiệu “Gạo rươi Đức Thọ” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 519822 ngày 20/12/2024.
Với lợi thế có dòng sông La chảy qua, tạo nên những cánh đồng trồng lúa ven sông tươi tốt. Mỗi khi thuỷ triều dâng lại mang theo nguồn lợi rươi tự nhiên tràn vào ruộng. Phát huy nguồn lợi tự nhiên ven sông, người dân Đức Thọ đã phát triển mô hình trồng lúa trên ruộng rươi độc đáo để tạo nên những sản phẩm đặc trưng cho quê hương. Đặc biệt, năm 2020 được sự hỗ trợ của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, huyện Đức Thọ đã xây dựng mô hình “Sản xuất lúa hữu cơ trên ruộng rươi, cáy” tại 3 xã (Yên Hồ, Bùi La Nhân, Quang Vĩnh) trên tổng diện tích gần 100 ha với 502 hộ tham gia. Từ đó đến nay, huyện cũng đã áp dụng nhiều giải pháp để xây dựng nhãn hiệu “Gạo rươi Đức Thọ”. Ngày 27/12/2024, UBND huyện Đức Thọ đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ cùng Công ty TNHH Luật ALIAT tổ chức lễ công bố quyết định cấp và trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo rươi Đức Thọ” số 519822 ngày 20/12/2024 do Cục Sở hữu trí tuệ cấp.
Trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo rươi Đức Thọ”
Nhãn hiệu “Gạo rươi Đức Thọ” được cấp cho sản phẩm gạo được thu hoạch trên cánh đồng trồng lúa kết hợp với khai thác rươi; tại 100 ha của 3 xã (Yên Hồ, Bùi La Nhân, Quang Vĩnh). Gạo rươi Đức Thọ được sản xuất từ các giống lúa chất lượng cao (ST24, ST25 và VNR20, ...), theo quy trình hữu cơ (chỉ bón hoàn toàn bằng phân chuồng, phân hữu cơ mà không sử dụng bất kì loại phân hoá học hay thuốc BVTV nào). Cây lúa trồng trong ruộng rươi đã chắt chiu, hấp thụ các dưỡng chất từ rươi, phù sa và nguồn nước dòng La ngọt mát… để kết tinh thành những hạt gạo sạch, thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Sản phẩm gạo ruộng rươi là sản phẩm sạch, vừa bảo vệ môi trường sinh thái ruộng đồng bền vững vừa an toàn cho sức khoẻ cho người dùng.
Gạo rươi Đức Thọ - nhãn hiệu uy tín cho khách hàng lựa chọn và tin dùng
Ông Phạm Hải Thăng - Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Thần Nông xã Bùi La Nhân cho biết: “Khi đã qua chế biến, đóng gói bao bì, nhãn mác, gạo rươi bán ra với giá 35.000 đồng/kg (gấp 2 lần so với các loại gạo thông thường). Tính ra, mỗi ha gạo rươi thu về từ 80 - 90 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ tốt nên thu hoạch đến đâu bán hết đến đó.”
Quy trình cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện nghiêm túc, không chỉ là chứng nhận khẳng định về chất lượng của sản phẩm mà còn thể hiện được đây là sản phẩm đặc trưng của quê hương Đức Thọ, với lối canh tác đặc biệt. Việc cấp nhãn hiệu chứng nhận "Gạo rươi Đức Thọ" không chỉ khẳng định chất lượng của sản phẩm, mà còn góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, tạo sức cạnh tranh trên thị trường, hạn chế tình trạng bị lạm dụng hoặc giả mạo sản phẩm. Qua đó, giúp các hộ sản xuất và kinh doanh sản phẩm gạo rươi Đức Thọ có thêm công cụ pháp lý, công cụ sở hữu trí tuệ, công cụ marketing quan trọng, tạo động lực để đẩy mạnh đầu tư phát triển bền vững sản phẩm gạo rươi cũng như mô hình canh tác độc đáo lúa rươi hiệu quả. Đây là bước ngoặt quan trọng trong quá trình bảo vệ và phát triển sản phẩm “Gạo rươi Đức Thọ” trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ chia sẽ: “Gạo rươi Đức Thọ được cấp chứng nhận nhãn hiệu là kết quả của sự nỗ lực không ngừng trong việc phát triển nông sản đặc trưng của địa phương. Mục tiêu của huyện trong thời gian tới là bảo vệ và phát huy giá trị sản phẩm gạo rươi, đồng thời giúp sản phẩm này vươn ra thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, huyện sẽ xây dựng các quy trình sản xuất, chế biến đạt chuẩn, đảm bảo chất lượng gạo rươi từ khâu trồng trọt đến thu hoạch, chế biến và tiêu thụ"./.
Kim Thịnh |