Đến nay, lúa xuân trên địa bàn tỉnh ta đã gieo cấy xong được từ 25 -30 ngày và đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ. Sản xuất vụ xuân năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết phức tạp, trời rét ẩm độ không khí cao, thiếu ánh sáng. Với điều kiện thời tiết như vậy đã ảnh hưởng không tốt đến sinh trưởng, phát triển của các trà lúa xuân . Tăng cường các giải pháp chăm sóc và bổ cứu sản xuất lúa xuân kịp thời để giúp cây lúa sinh trưởng tốt cho năng suất cao đang là vấn đề đặt ra đối với các địa phương.
Qua kết quả kiểm tra thực tế tại một số địa phương cho thấy: tiến độ gieo trỉa lạc ở một số nơi còn chậm; số diện tích lạc gieo sau tết sinh trưởng kém. Dự báo trong thời gian tới với sự phát sinh gây hại của sâu bệnh sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa và các cây trồng cạn. Thời gian này thời tiết bắt đầu đã ấm dần lên, lúa bắt đầu hồi sinh, những cánh đồng đang trải dài một màu xanh non mới. Tranh thủ thời tiết thuận lợi sau Tết Nguyên Đán, là thời điểm lý tưởng để nông dân khắp nơi trong tỉnh xuống đồng chăm sóc cây lúa. Hiện lúa chuẩn bị bước vào giai đoạn đẻ nhánh, nông dân đang tiến hành tỉa, dặm, chăm sóc, theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó, nhất là phòng chống các loại sâu bệnh rất dễ phát sinh trong điều kiện thời tiết hiện nay.
Ông Nguyễn Tường Bình – Giám đốc HTX Nông nghiệp Đồng Sơn xã Thạch Xuân huyện Thạch Hà cho biết: “Vụ Xuân năm nay, toàn xã Thạch Xuân huyện Thạch Hà đưa vào gieo cấy 280 ha lúa. Với quyết tâm phấn đấu đạt một mùa vụ thắng lợi, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các HTX sản xuất nông nghiệp vận động bà con xã viên tiến hành ra đồng chăm sóc lúa ngay khi thời tiết thuận lợi.”
Tại huyện Đức Thọ, tổng diện tích gieo cấy vụ xuân 2018 là 6519 ha với 6 giống chủ lực: Nếp, P6, HT1, VTNA2, Nhị ưu 838 và Xi 23. Tuân thủ chỉ đạo của ngành nông nghiệp, 100% mạ lúa xuân của huyện được che phủ nilong đúng quy trình. Vì vậy, các trà mạ đã phát triển rất tốt để phục vụ đủ cho bà con cấy. Hiện nay, các diện tích ruộng được cấy cũng đang trong thời kỳ đẻ nhánh. Cũng như những địa phương khác, Đức Thọ đã bám sát, chỉ đạo cụ thể trong việc theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến thời tiết, từ đó chủ động, chỉ đạo ứng phó kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại cho bà con nông dân.
Người dân tranh thủ xuống đồng khi thời tiết thuận lợi để chăm sóc ruộng lúa
Theo kinh nghiệm của nhiều nông dân, những ngày trước và trong tết, thời tiết đêm lạnh, ngày nắng có sương mù vào sáng sớm là điều kiện thích hợp cho nhiều loại dịch bệnh, sâu hại phát triển nhanh. Chính vì thế, thăm đồng thường xuyên trong thời gian này sẽ giúp bà con chủ động nắm chắc tình hình ruộng lúa của mình.
“Thời gian này, ưu tiên trước nhất là những diện tích đã phục hồi thì cần lấy nước đủ vào mặt ruộng nhằm kích thích lúa đẻ nhánh nhanh, khỏe. Đặc biệt, thời tiết rất thuận lợi để bà con tập trung tỉa dặm, nhất là đối với những diện tích mật độ chưa đều. Cùng với đó, nông dân cần bón thúc lúa đẻ nhánh, tăng cường phân bón lá nhằm hỗ trợ cây lúa sinh trưởng tốt hơn” Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh cho biết.
Hiện nay, ở nhiều địa phương, đồng ruộng đã xuất hiện nhiều loại đối tượng sâu bệnh, đe dọa sự sinh trưởng của lúa. Điển hình là bọ trĩ, chuột. Tuy mức độ gây hại chỉ mang tính cục bộ, phân bố rải rác nhưng lại phổ biến khắp các cánh đồng. Bà con nông dân cần tiến hành phun phòng trừ theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Ngoài ra bà con cũng cần thăm đồng thường xuyên, theo dõi tình hình phát sinh của các loại sâu bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời, đúng kỹ thuật để bảo vệ mùa màng. Bên cạnh đó, quản lý, điều hành hệ thống thủy nông cung cấp đủ nước phục vụ cho công tác chăm sóc cây trồng, đảm bảo giữ ấm cho cây lúa nhưng phải sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Đảm bảo đủ nước chăm sóc lúa xuân và cân đối nước phục vụ kế hoạch sản xuất hè thu - mùa. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại cây trồng.
Sản xuất vụ xuân đến thời điểm này cơ bản đang diễn ra thuận lợi nhưng không phải vì thế mà chủ quan trong việc điều hành sản xuất. Thời gian này ngành nông nghiệp đang chỉ đạo các các địa phương và bà con nông dân thực hiện tốt các phương án bổ cứu sản xuất. Cùng đó, khuyến cáo nông dân chủ động chăm sóc đúng quy trình, thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu bệnh, từ đó có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả./.
Nguyễn Hoàn |