Vụ xuân năm 2018, bệnh lùn sọc đen xuất hiện rải rác trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến phân hóa đòng tại một số xã của huyện Cẩm Xuyên. Đây là dấu hiệu và nguy cơ bệnh lùn sọc đen sẽ bùng phát, gây hại lúa hè thu này ở Hà Tĩnh nếu không có các biện pháp phòng, chống kịp thời.
Trước tình hình bệnh lùn sọc đen phương nam có nguy cơ gây hại trện lúa hè thu, ngay từ đầu vụ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức tập huấn kỹ thuật phòng, chống bệnh lùn sọc đen phương Nam, các đối tượng dịch hại cây trồng vụ Hè thu năm 2018 cho cán bộ kỹ thuật chuyên ngành trồng trọt thuộc Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh; cán bộ lãnh đạo và chuyên môn của các huyện, thành phố, thị xã và đại diện các công ty cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh. Ngay sau khi hoàn thành lớp tập huấn các địa phương đã nhanh chóng triển khai tổ chức hướng dẫn nông dân ngay tại ruộng về cách nhận biết rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen phương Nam, thời điểm rầy di trú và biện pháp phòng trừ để người dân biết và thực hiện.
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân cách nhận biết rầy lơng trắng
Bệnh lùn sọc đen là bệnh nguy hiểm, tác nhân gây bệnh lùn sọc đen hại lúa là vi-rút lùn sọc đen phương Nam. Môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng bao gồm cả rầy non và rầy trưởng thành đều truyền bệnh. Rầy sau khi nhiễm vi-rút có thể truyền bệnh đến khi chết. Bệnh lan truyền từ cây lúa bị bệnh sang cây khoẻ, từ vùng bị bệnh sang vùng chưa có bệnh nhờ sự di chuyển, phát tán của rầy lưng trắng. Bệnh có thể tồn tại trên lúa chét của cây bệnh trước đó, trên ngô, trên cỏ dại như cỏ lồng vực, cỏ chác, đuôi phụng và là nguồn chứa vi-rút để rầy truyền sang hại lúa. Xã Cẩm Lạc huyện Cẩm Xuyên là địa phương thường hay xảy ra bệnh lùn sọc đên trên cây lúa, Năm 2010 hàng trăm ha ở đây đã bị bệnh lùn sọc đên gây hại, gần đây nhất vụ xuân 2018 xã Cẩm Lạc cũng đã phát hiện một số diện tích bị nhiễm bệnh lục sọc đen, do vậy nguy cơ bệnh phát sinh gây hại trong vụ hè thu là rất cao. Trước tình hình trên UBND xã đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với Trung tâm ƯDKHKT và BVCTVN huyện thường xuyên kiểm tra đồng ruộng đã phát hiện được rầy lưng trắng đã xuất hiện, lúa có triệu chứng lùn sọc đen. Do vậy xã đã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về diễn biến và tác hại của bệnh lùn sọc đen Phương Nam và các đối tượng gây hại trên lúa để người dân biết phòng trừ kịp thời.
Theo kết quả giám định mẫu rầy lưng trắng tại Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng IV thu ở các huyện Hương Sơn, Đức Thọ, Hương Khê, Cẩm Xuyên đã phát hiện 04 mẫu rầy lưng trắng phản ứng dương tính với virus lùn sọc đen phương Nam (2 mẫu thu tại xã Cẩm Hưng; 2 mẫu thu tại xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm xuyên). Nguy cơ bệnh lùn sọc đen Phương Nam bùng phát gây hại trên lúa Hè Thu 2018 là rất cao. Thời điểm này là giai đoạn mẫn cảm nhất với bệnh lùn sọc đen, kéo dài từ lúc gieo đến 40 ngày. Bệnh lây truyền truyền qua loài vật trung gian là rầy lưng trắng. Để ngăn chặn nguy cơ bệnh lùn sọc đen từ đầu vụ Hè thu. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi, nhằm trang bị cho bà con nông dân những kiến thức cơ bản về dịch bệnh. Từ đó, tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đồng thời phối hợp tăng cường điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo để sớm xác định mật số các lứa rầy, phòng trừ hiệu quả môi giới truyền bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời khi sự cố xảy ra
Mặc dù tính đến thời điểm này, bệnh lùn sọc đen chưa gây hại lúa Hè thu trên địa bàn tỉnh song không nghĩa là sẽ không bị nhiễm. Vì thế, cũng không là quá sớm nếu ngay từ bây giờ các cơ quan chuyên ngành đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nông dân nắm bắt được những thông tin, nhận biết về loại bệnh mới này, sớm phát hiện và có biện pháp quản lý kịp thời trước khi bệnh lây lan thành dịch, nhằm bảo vệ an toàn mùa màng cho nông dân.
Xuân Hồng |