Niềm vui người trồng cam
Hàng chục năm gắn bó với cây cam cũng là ngần ấy thời gian anh Nguyễn Xuân Hòa (xóm Anh Hùng - xã Thượng Lộc) không ngừng mày mò để có sản phẩm ngon nhất. Với kiến thức nền tảng từ Trường Đại học Nông nghiệp cùng sự nỗ lực đã mang đến thành công cho anh. Chàng kỹ sư nông nghiệp đã nhiều lần tìm về “đất cam” Hương Khê, Vũ Quang, thậm chí, sang tận vùng chuyên trồng cam của tỉnh Nghệ An - nơi nổi tiếng với thương hiệu cam Vinh để tìm hiểu về nguồn giống, kỹ thuật chăm sóc…
Cam Thượng Lộc không chỉ sai quả mà còn có vị ngọt đặc trưng
Trở về với những điều “mắt thấy tai nghe” và trên cơ sở chất đất, khí hậu vùng trà sơn, anh đã “giắt lưng” nhiều kinh nghiệm để vườn cam không chỉ sai quả mà còn mang vị ngọt thơm đặc trưng. Hiện, gia đình anh đã có 800 gốc cam cho thu hoạch, mỗi năm thu lợi trên 500 triệu đồng.
Anh Hòa chia sẻ: “Chưa bao giờ chúng tôi vui mừng như khi cam Thượng Lộc được bảo hộ nhãn hiệu, có “tên tuổi” trong làng cam cả nước. Trước đây, dù cam chất lượng nhưng chưa có thương hiệu nên vẫn khó tiêu thụ ở thị trường xa, thương lái mua tận vườn vẫn có tình trạng ép giá. Nay cam đã có thương hiệu, tạo cơ hội để mở rộng thị trường. Vụ tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, gia đình tôi bội thu khi giá mỗi kg từ 100-120 ngàn đồng. Đặc biệt, với sự đỡ đầu của Nhà nước, cây cam sẽ tăng năng suất và chất lượng”.
Niềm vui của anh Hòa cũng là niềm vui chung của bà con vùng trà sơn, thuộc 8 xã Sơn Lộc, Đồng Lộc, Quang Lộc, Mỹ Lộc, Thượng Lộc, Gia Hanh, Phú Lộc và Nga Lộc. Rõ ràng, việc cam Thượng Lộc được cấp văn bằng bảo hộ là tiền đề quan trọng trong triển khai các hệ thống quản lý và phát triển một cách bài bản, có hiệu quả thời gian tới. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh trên thị trường. Giờ đây, cam Thượng Lộc với những đặc điểm riêng như: quả nhỏ hơn cam Khe Mây, cam Vũ Quang, đều, màu vàng nhạt và vị ngọt thơm đậm đà… đã tạo nên ấn tượng với người tiêu dùng và tiếp thêm niềm tin cho nhà sản xuất.
Lộ trình phát triển
Cây cam chanh được trồng ở các xã trà sơn huyện Can Lộc từ hơn 20 năm nay. Tuy nhiên, trước đây, do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên lợi thế cạnh tranh còn thấp. Những năm gần đây, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, diện tích trồng cam toàn huyện không ngừng tăng, từ 80 ha (năm 2010) lên gần 400 ha (năm 2016) với năng suất bình quân đạt 13,2 tấn/ha. Phấn đấu đến hết năm 2020, huyện sẽ đạt 800 ha cam chanh và quan trọng hơn là phát triển bền vững chất lượng.
Ông Võ Hữu Hào - Chủ tịch UBND huyện Can Lộc khẳng định: “Sự kiện cam Thượng Lộc được bảo hộ nhãn hiệu là thành công lớn của huyện. Để bảo vệ và phát triển thương hiệu, chúng tôi sẽ chỉ đạo ban quản lý nhãn hiệu chứng nhận cam Thượng Lộc cùng các phòng, ban liên quan tăng cường quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư, mở rộng vùng sản xuất. Tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất theo hướng VietGAP, ứng dụng mạnh KHKT trong sản xuất để sản phẩm cam Thượng Lộc vươn xa trên thị trường”.
Xung quanh hướng phát triển thương hiệu cam Thượng Lộc, ông Nguyễn Đức Quang - Phó Giám đốc Sở KH&CN đề nghị UBND huyện Can Lộc tiếp tục quan tâm, phối hợp với sở triển khai hệ thống quản lý thương hiệu. Dựa trên cơ sở vùng quy hoạch của địa phương, các hộ sản xuất, kinh doanh cam cần chú trọng nguồn giống, ứng dụng tiến bộ KHKT để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó bảo vệ bền vững thương hiệu.