Sáng ngày 29/11/2023, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Nông nghiệp Nghệ An phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã tổ chức trao chứng nhận VietGAP cho cơ sở nuôi trồng thủy sản tại xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh).
Năm 2023, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Nông nghiệp Nghệ An phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP. Theo đó, mô hình được thực hiện tại cơ sở nuôi trồng thủy sản Sáng Sáng xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, với diện tích 0,8ha.
Ông Lê Quốc Thanh và đoàn công tác trong lần kiểm tra Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP tại Cơ sở nuôi trồng thủy sản Sáng Sáng xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà
Để áp dụng đúng quy trình VietGAP, các hộ tham gia mô hình đã được hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ các bộ kit test môi trường ao nuôi, bảng biểu, lập sổ ghi chép nhật ký sản xuất. Qua đó, cơ sở đã áp dụng đầy đủ quy trình thực hành nuôi tôm VietGAP, không sử dụng kháng sinh, hóa chất mà thay vào đó là sử dụng hoàn toàn bằng chế phẩm sinh học.
Sau vụ nuôi đầu tiên, cho thấy áp dụng theo quy trình VietGAP, tôm nuôi phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 80%, kích cở thương phẩm 60con/kg, sản lượng đạt hơn 15 tấn. Với giá bán 105.000 đồng/kg, doanh thu mô hình ước đạt 1,3 tỷ, lợi nhuận mang lại hơn 400 triệu đồng. Không những mang lại hiệu quả về kinh tế mà việc triển khai mô hình còn tạo ra sản phẩm an toàn và bảo vệ được môi trường sinh thái vùng nuôi.
Đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Nông nghiệp Nghệ An và Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh trao chứng nhận VietGAP cho cơ sở nuôi trồng thủy sản Sáng Sáng (xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà)
Qua kiểm tra, đánh giá các giai đoạn về việc tuân thủ quy trình nuôi, hồ sơ, thực địa và thu mẫu thử nghiệm về an toàn môi trường, an toàn thực phẩm, Trung tâm chuyển giao công nghệ và dịch vụ Thủy sản Việt Nam đã cấp chứng nhận VietGAP cho toàn bộ diện tích nuôi tôm của mô hình, với sản lượng 15 tấn tôm mỗi năm. Sau năm đầu tiên, bên phía đơn vị cấp chứng nhận sẽ tiếp tục giám sát mô hình và đánh giá lại các chỉ tiêu với tần suất 1lần/năm để đảm bảo giấy chứng nhận VietGAP tại cơ sở có giá trị đến ngày 11/11/2025.
Việc triển khai mô hình đã góp phần giảm rủi ro, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm; mở ra hướng phát triển bền vững cho nghề nuôi tôm tại Hà Tĩnh./.
Nguyễn Hoàn |