Nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hoá có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, sản phẩm an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng và góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, sản xuất bền vững. Cùng với các địa phương trong toàn tỉnh Huyện Cẩm Xuyên đã và đang nổ lực hết mình để thực hiện các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và phấn đấu đạt mục tiêu 300ha lúa hữu cơ vào năm 2025.
Là địa phương đi trước, đón đầu trong thực hiện các mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, vụ Xuân năm 2022, huyện Cẩm Xuyên thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ với quy mô 1,4ha, sử dụng giống lúa chất lượng cao ST25 tại thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình. Sau 4 tháng triển khai thực hiện, mô hình cho năng suất hơn 4,5 tấn/ha, dù so với các loại lúa thường, năng suất không cao bằng nhưng giá bán thấp nhất được 10.000 đồng/kg lúa tươi tại chân ruộng, cao gấp 1,3 lần so với sản xuất lúa truyền thống nên hiệu quả kinh tế cao hơn gần 4 triệu đồng/ha. Từ thành công của mô hình, huyện Cẩm Xuyên đã xây dựng đề án sản xuất 300ha lúa hữu cơ đến năm 2025.
Từ thành công của mô hình, huyện Cẩm Xuyên đã xây dựng đề án sản xuất 300ha lúa hữu cơ đến năm 2025.
Để thực hiện thành công dự án, năm 2023, mô hình lúa hữu cơ tiếp tục được thực hiện tại thôn Đông Trung, đồng thời mở rộng thêm 15ha tại thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình sản xuất ở cả vụ Xuân và Hè thu. Mô hình sử dụng giống lúa chất lượng cao là ST25, Bắc Thịnh, áp dụng hoàn toàn quy trình sản xuất hữu cơ theo Tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ, áp dụng phương pháp mạ khay máy cấy, bón phân bón dùng cho sản xuất hữu cơ, không phun thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Để mô hình sản xuất lúa hữu cơ đạt kết quả cao nhất, UBND huyện Cẩm Xuyên đã chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan thường xuyên bám sát cơ sở, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt kế hoạch sản xuất và các giải pháp kỹ thuật, đầu tư thâm canh, bón phân cân đối hợp lý, quản lý sâu bệnh đúng kỹ thuật, kịp thời để giảm chi phí sản xuất, giảm ngày công lao động, tăng năng suất cây trồng.
Sử dụng các sản phẩm thiên nhiên để cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa
Nhằm tiếp tục duy trì diện tích sản xuất lúa hữu cơ đã triển khai và mở rộng ra các địa phương khác trong toàn huyện, ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Kế hoạch số 1021/KH-UBND ngày 24/3/2024, kèm theo cơ chế chính sách hỗ trợ từ ngân sách huyện 50% chi phí mạ khay máy cấy, 50% chi phí phân hữu cơ vi sinh để xây dựng 8 vùng sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn 8 xã. Đến nay, toàn huyện đã sản xuất đạt gần 100ha diện tích lúa hữu cơ gồm: xã Yên Hòa 24ha, Cẩm Quang 12ha, Cẩm Thành 12,7ha, Nam Phúc Thăng 15,4ha, Cẩm Vịnh 4ha, Thị trấn Cẩm Xuyên 10ha, Cẩm Lạc 4ha, Cẩm Bình 15,6ha. Trong đó vùng sản xuất tại xã Cẩm Bình đã bước vào vụ sản xuất thứ 4, các vùng còn lại sản xuất vụ đầu tiên. Đồng thời ký hợp đồng với Công ty CP Hòa Lạc IEC và Công ty Chi Lương liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa cho nông dân.
Vụ Xuân 2024, năng suất lúa bình quân tại các điểm triển khai giống ST25 đạt 6,0 tấn/ha, 6,4 tấn/ha đối với giống Bắc Thịnh, các công ty thu mua lúa tươi tại ruộng với giá 9.000 - 10.000 đ/kg, sau khi trừ các chi phí cho lợi nhuận 21,8 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất thông thường gần 8 triệu đồng/ha. Qua tổng kết từ mô hình tại xã Cẩm bình cho thấy đến vụ sản xuất năm thứ 4 chi phí phân bón đã giảm được 23% nhờ quá trình cải tạo đất ở những vụ sản xuất trước, việc giảm lượng phân bón không làm ảnh hưởng đến năng suất lúa.
Để người nông dân gắn bó theo đuổi nền nông nghiệp hữu cơ và tiếp tục mở rộng diện tích nhằm đạt mục tiêu 300ha lúa hữu cơ đến năm 2025, thời gian tới uỷ ban nhân dân huyện Cẩm Xuyên tiếp tục duy trì các vùng sản xuất hữu cơ hiện có và khuyến cáo nhân rộng diện tích cũng như tuyên truyền cho các địa phương khác trong toàn huyện học tập, làm theo. Bên cạnh đó tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất để áp dụng trên diện rộng. Tập trung hỗ trợ Doanh nghiệp tham gia liên kết để đảm bảo các điều kiện cung cấp dịch vụ đầu vào và thu mua sản phẩm cho người dân nhằm tạo ra một mối liên kết chặt chẽ, bền vững. Với phương châm doanh nghiệp đặt hàng sản xuất, xây dựng và chuyển giao quy trình kỹ thuật, người dân thực hiện theo đặt hàng của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ đóng vai trò quản lý, hỗ trợ, định hướng. Huyện Cẩm Xuyên phấn đấu đạt mục tiêu 300ha lúa hữu cơ vào năm 2025 và xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Cẩm Xuyên để cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh
Việc thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ, hướng tới mở rộng diện tích không chỉ góp phần tạo ra sản phẩm có lợi cho sức khỏe con người mà còn nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác của người dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm công lao động, nâng cao giá trị cây trồng, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Đặng Thị Thuận |