Về với xã Quang Thọ hôm nay không khó để bắt gặp những hình ảnh thương lái nườm nợp ra vào thu mua cam hay các nhà vườn đang phấn khởi, tất bật nhộn nhịp thu hái, dán nhãn, đóng thùng để sản phẩm cam được đảm bảo về chất lượng, mẫu mã cung ứng ra thị trường.
Cây cam là sản phẩm chủ lực của xã Quang Thọ nói riêng và huyện Vũ Quang nói chung, nhiều năm trở lại đây cây cam đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Hiệu quả, cho thu nhập cao, cùng với các chính sách khuyến khích phát triển cây ăn quả có múi của huyện, của tỉnh nên diện tích trồng cam trên toàn xã tăng đáng kể, lũy kế đến nay hơn 300 ha. Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích có phần chững lại, thậm chí còn giảm so với trước đó, nguyên nhân do quỹ đất trồng cam còn ít, cam được mùa nhưng mất giá, thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh ngày càng nhiều và khó kiểm soát hơn. Nhưng hai năm nay cam được mùa, được giá nên người dân đã phấn khởi và tập trung chăm sóc trở lại.
Cam được mùa, được giá nên người dân đã phấn khởi và tập trung chăm sóc trở lại.
Trước đây mặc dù cam Vũ Quang có chất lượng tốt, nhưng giá còn thấp do chưa được nhiều người biết đến, tiêu thụ chủ yếu bán qua các kênh truyền thống nên bị ép giá. Năm 2019, dịch bệnh covid diễn biến phức tạp, việc thương lái thu mua tại vườn trở nên khó khăn. Trong thách thức có cơ hội, nhờ vậy thời điểm đó chính quyền các cấp đã hướng dẫn người dân bán hàng qua các kênh thương mại điện tử như: FaceBook, zalo, các sàn thương mại điện tử sendo, lazada,... và qua các kênh từ những thân, bạn bè,…nên kênh bán hàng của người trồng cam ngày càng đa dạng, sản phẩm cam Vũ Quang đã dần khẳng định được chất lượng và thương hiệu từ đó giúp người dân chủ động tiêu thụ sản phẩm.
Trong những năm trước cam được mùa nhưng đến thời điểm thu hoạch thì mưa nhiều, nấm bệnh tấn công, làm cam rụng hàng loạt, dẫn đến năng suất giảm. Bên cạnh đó nhiều hộ gia đình trồng cam lại không đầu tư nên năng suất, chất lượng cam ngày càng giảm sút làm cho việc tiêu thụ khó khăn hơn. Từ đó, Các hộ có xu hướng chuyển đổi sang trồng keo, làm cho diện tích cam toàn xã giảm dần.
Nhưng hai năm trở lại nay cam Vũ Quang đã khẳng định được thương hiệu nên ngay từ đầu mùa thương lái đến trực tiếp thu mua tại vườn với giá giao động từ 15-25.000 đồng/kg tùy vào độ ngọt, mẫu mã, kích thước của quả cam. Bên cạnh đó, những hộ tự xây dựng được thương hiệu cá nhân, hoặc bán trực tiếp cho khách hàng không qua thương lái, cam được bán với giá 40.000 đồng/kg.
Cam được trồng, đầu tư, chăm sóc theo hướng hữu cơ nên sản phẩm cam ngọt, có mùi thơm đặc trưng, quả đều, đẹp.
Chị Trần Thị Sương, thôn 4, xã Quang Thọ chia sẽ cùng chúng tôi: “Cam của gia đình tôi là giống cam xã đoài có chất lượng tốt, quả ngọt, đều quả nên thương thu mua tại vườn với giá 25.000đồng/kg, gia đình tôi có 350 gốc, dự kiến năm nay sản lượng đạt hơn 10 tấn, sau khi trừ các chi phí, thu nhập ước đạt khoảng 220 triệu đồng”.
Anh Đoàn Ngọc Bảo, thôn 1, xã Quang Thọ, chủ cơ sở Cam Ocop Bảo Phương phấn khởi cho biết: “Chưa năm nào mà ngay từ đầu vụ cơ sở tôi bán cam sướng như năm nay, trong vòng một tuần tôi bán được 5 tấn cam, có những ngày tôi bán được 2 tấn, nhờ xây dựng tốt thương hiệu, cam năm nay lại có chất lượng tốt nên cơ sở bán được giá, hiện đang bán với giá 40.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Vinh, Hà Nội..... Gia đình tôi hiện có 1.500 gốc cam tương đương với 3ha chủ yếu là giống cam xã đoài, cam giòn, cam navel,.... sản lượng khoảng 15 tấn, thu nhập sau khi trừ chi phí khoảng 500 triệu đồng. Cam của gia đình tôi được trồng, đầu tư, chăm sóc theo hướng hữu cơ nên sản phẩm cam ngọt, có mùi thơm đặc trưng, quả đều, đẹp. Từ năm 2020 đến nay gia đình tôi luôn bán với giá cao hơn các hộ trong vùng chênh lệch từ 10.000 đồng- 20.000 đồng/kg và được khách hàng tin dùng. Bên cạnh đó cơ sở tôi còn thu mua cam của các hộ trong vùng để đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho các hộ”
Ông Nguyễn Văn Hiệu, Phó chủ tịch xã Quang Thọ cho biết: “ Qua quá trình trồng cho thấy cây cam phù hợp với chân đất ở đây, cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao và có độ ngọt đậm. Cây cam cũng là cây trồng chủ lực của địa phương và là loại cây cho giá trị kinh tế cao, cao gấp 10 lần trồng lúa, gấp 12 lần so với trồng ngô, 20 lần so với trồng keo. Thương hiệu cam Quang Thọ, Vũ Quang đã được nhiều khách hàng biết đến và tin dùng nhiều năm nay, nên giá cam tại đây luôn ổn định và cao hơn so với các vùng khác. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cũng như để phát triển bền vững cây cam, thời gian qua chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều chính sách nhằm khuyến khích các hộ dân chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, đến nay xã đã có 10ha được cấp chứng nhận cam hữu cơ. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân trồng mới, trồng thay thế, tái đầu tư đối với các diện tích cam bị thoái hóa bằng các giống cam chất lượng theo thị hiếu của người tiêu dùng, đồng thời sản xuất theo các quy trình VietGap, hữu cơ để đảm bảo đồng nhất chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm”.
Mỹ Thành |