Nhằm giúp người nông dân nói chung, nuôi trồng thủy sản nói riêng nhanh chóng khôi phục sản xuất khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra, Chính phủ đã ban hành cơ chế, chính sách mới hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Đó chính là Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, ban hành ngày 9/1/2017 và có hiệu lực từ ngày 25/2/2017.
Hỗ trợ áp dụng cho các đối tượng là hộ nông dân, người nuôi trồng thủy sản, diêm dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh, được công bố theo quy định pháp luật về thú y, thủy sản, lâm nghiệp và các dịch bệnh công bố dịch theo quy định pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Các hộ sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng tất cả các điều kiện: Sản xuất không trái quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của địa phương; Có đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung và nuôi trồng thủy sản hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có). Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi; trong thời gian 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào kê khai. Các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện kê khai và được xác nhận ngay khi thực hiện nuôi trồng; Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.
Thời điểm xảy ra thiệt hại: Đối với thiên tai: Được tính trong thời gian xảy ra thiên tai trên địa bàn được Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn địa phương xác nhận; Đối với dịch bệnh: Là trong khoảng thời gian từ khi công bố dịch đến khi công bố hết dịch. Trường hợp đặc biệt, ngay từ khi phát sinh ổ dịch đầu tiên (chưa đủ điều kiện công bố dịch) cần phải tiêu hủy gia súc, gia cầm theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch để hạn chế dịch lây lan thì thời điểm xảy ra thiệt hại là khoảng thời gian từ khi phát sinh ổ dịch đến khi kết thúc ổ dịch.
Mức hỗ trợ đối với thủy, hải sản:
- Diện tích nuôi tôm quảng canh (tôm - lúa, tôm sinh thái, tôm - rừng, tôm kết hợp) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4,1 - 6 triệu đồng/ha; thiệt hại 30 - 70%, hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng/ha;
- Diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 7,1 - 10 triệu đồng/ha; thiệt hại 30 - 70%, hỗ trợ 3 - 7 triệu đồng/ha;
- Diện tích nuôi tôm sú bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 6,1 - 8 triệu đồng/ha; thiệt hại 30 - 70%, hỗ trợ 4 - 6 triệu đồng/ha;
- Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20,5 - 30 triệu đồng/ha; thiệt hại 30 - 70% hỗ trợ 10 - 20 triệu đồng/ha;
- Diện tích nuôi nhuyễn thể bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 40,5 - 60 triệu đồng/ha; thiệt hại 30 - 70% hỗ trợ 20 - 40 triệu đồng/ha;
- Diện tích nuôi cá tra thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20,5 - 30 triệu đồng/ha; thiệt hại 30 - 70%, hỗ trợ 10 - 20 triệu đồng/ha;
- Lồng, bè nuôi nước ngọt bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 7,1 - 10 triệu đồng/100 m3 lồng; thiệt hại 30 - 70% hỗ trợ 3 - 7 triệu đồng/100 m3 lồng;
- Diện tích nuôi cá rô phi đơn tính thâm canh thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20,5 - 30 triệu đồng/ha; thiệt hại 30 - 70% hỗ trợ 10 - 20 triệu đồng/ha;
- Diện tích nuôi cá nước lạnh (tầm, hồi) thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 35,5 - 50 triệu đồng/ha; thiệt hại 30 - 70%, hỗ trợ 15 - 35 triệu đồng/ha;
- Lồng, bè nuôi trồng ngoài biển (xa bờ, ven đảo) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 15,5 - 20 triệu đồng/100 m3 lồng; thiệt hại 30 - 70%, hỗ trợ 10 - 15 triệu đồng/100 m3 lồng;
- Diện tích nuôi trồng thủy, hải sản khác bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4,1 - 6 triệu đồng/ha; thiệt hại 30 - 70% hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng/ha.
Bảo Hân/thuysanvietnam.com.vn |