Ngày 13/12/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 50/2018/QĐ-TTg quy định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Theo đó, danh mục đối tượng thủy sản nuôi chủ lực gồm: Tôm sú (Penaeus monodonFabricus, 1798); tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei Boone, 1931); cá tra (Pangasianodon hypophthalmus Sauvage, 1878).
Theo Quyết định số 50/2018/QĐ-TTg, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực phải đáp ứng 4 tiêu chí sau:
1. Thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.
2. Tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cao cho người lao động; phát huy hiệu quả tài nguyên, điều kiện tự nhiên của đất nước và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
3. Có năng suất và hiệu quả sản xuất cao; có khả năng thu hút đầu tư để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
4. Tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao; có khả năng cạnh tranh với đối tượng thủy sản của quốc gia khác trên thị trường nội địa và xuất khẩu, trong đó giá trị xuất khẩu tối thiểu đạt 100 triệu USD/năm.
Quyết định cũng nêu rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý và các tổ chức cá nhân liên quan. Trong đó:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thực hiện công tác quản lý nhà nước, xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển đối tượng thủy sản nuôi chủ lực trong phạm vi cả nước; định hướng phát triển đối tượng thủy sản nuôi chủ lực để tích hợp vào hệ thống quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý thông tin cập nhật về phát triển sản xuất các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; định kỳ hằng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả phát triển đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.
Căn cứ tình hình thực tế và yêu cầu phát triển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy định về đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.
- UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện công tác quản lý nhà nước; xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển đối tượng thủy sản nuôi chủ lực tại địa phương; định hướng phát triển đối tượng thủy sản nuôi chủ lực trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh đối tượng thủy sản nuôi chủ lựcthực hiện đăng ký nuôi thủy sản theo quy định hiện hành; được hưởng các chính sách theo quy định của pháp luật; được cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin về kết quả quan trắc cảnh báo môi trường, tình hình phát triển đối tượng thủy sản nuôi chủ lực khi có đề nghị.
Tổ chức cá nhân nuôi trồng thuỷ sản đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra) gửi hồ sơ đăng ký về cơ quan quản lý nhà nước về thuỷ sản cấp tỉnh (Tại Hà Tĩnh gửi về Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh). Hồ sơ đăng ký nuôi thuỷ sản chủ lực quy định tại Điều 36 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019, bao gồm:
- Đơn đề nghị theo Mẫu số 23.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP (có biểu mẫu kèm theo)
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao khu vực biển hoặc hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản;
- Sơ đồ khu vực nuôi.
Quyết định 50/2018/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 30/01/2019./.
Tải Quyết định 50/2018/QĐ-TTg
Trần Hương –Chi cục Thuỷ sản
|